0987.919.262

|

hi@vominhhuy.com

5 điều bản thân phải tự làm được để trở nên xuất sắc

Trong công việc, từ chủ tịch cho đến intern, ai cũng muốn mình tạo ra kết quả tốt hơn và nhận được tưởng thưởng xứng đáng. Để làm được điều đó, chúng ta phải biết cách trở nên tiến bộ liên tục. Chỉ có sự tiến bộ của bản thân mới khiến bản thân đi xa hơn, nhanh hơn và có nhiều giá trị hơn.

Để trở nên tự tiến bộ liên tục cũng không hẳn là điều dễ dàng. Nếu bạn chỉ làm những việc như thường lệ ngày qua ngày, thì bạn sẽ không thể tiến bộ được. Máy móc cũng có thể làm được như vậy. Do đó, để đạt được sự tiến bộ đòi hỏi bạn phải có sự tự nhận thức về chính mình, liên tục làm những việc mình chưa từng làm, để đẩy bản thân mình tiến lên phía trước.

Đặc biệt, sự tự tiến bộ càng rõ ràng khi bạn lên những vị trí cao hơn trong career path. Khi bạn là team lead, bạn không chỉ quản lý công việc của bản thân, mà còn quản lý công việc của team. Khi bạn lên làm quản lý, không ai ngồi giao việc cho bạn và kiểm tra công việc của bạn mỗi ngày nữa. Công ty chỉ giao cho bạn mục tiêu, và bạn phải tự quản lý mục tiêu, quản lý công việc của bản thân, quản lý công việc của đội nhóm để hoàn thành mục tiêu đó. Khi bạn là chủ doanh nghiệp, không còn ai giao cho bạn mục tiêu nữa, mà bạn phải tự xác định mục tiêu cho bản thân, chia nhỏ mục tiêu cho đội ngũ (thông qua OKR hoặc KPI), quản lý sự phát triển của tất cả mọi người.

Chỉ có sự tự tiến bộ mới đưa bản thân mình trở nên xuất sắc.

Vì tầm quan trọng của sự tự tiến bộ, bản thân Huy cũng phải có một bộ công thức cho bản thân mình. Đó là 5 câu, mà bản thân Huy sẽ thường xuyên hỏi chính mình, để phát huy những gì mình đang làm tốt và khắc phục những điểm mình làm chưa tốt. Nó là một phần trong quá trình Tỉnh Thức (self-awareness).

Sau đây là 5 điều bản thân mình phải tự làm được để trở nên xuất sắc hơn

1. Tự kiểm tra

Trong lúc làm và sau khi hoàn thành công việc, mình phải có cơ chế tự kiểm tra được kết quả đó đã đúng hay chưa, có gì bị sai sót hay không. Bản thân mình phải là người QC (Quality Control) cho chính mình.

Phải hiểu rằng, nếu mình làm sai, sẽ tốn thêm 1 người khác kiểm tra kết quả của mình, và việc này hoàn toàn không tạo ra giá trị mà chỉ tạo sự khó chịu. Và nếu sai sót này không được phát hiện, chuỗi giá trị sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

2. Tự đánh giá

Với mỗi công việc, mình phải đánh giá được các yếu tố sau:

  1. Chất lượng mình làm ở mức nào? Đạt, Tốt, Xuất sắc hay Không đạt, Kém?
  2. Công việc mình làm có giá trị thế nào trong chuỗi giá trị, nó ở vị trí nào trong cả bức tranh lớn? Nó là must have hay nice to have.
  3. Người khác sẽ sử dụng công việc của mình như thế nào? Họ có hài lòng không, hay bình thường, hay tẻ nhạt, hay thất vọng?

Việc tự đánh giá được công việc của mình sẽ giúp bạn có nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của bản thân trong toàn bộ quy trình.

3. Tự cải tiến

Khi mình xong công việc, phải tự mình đáng giá lại những gì mình đã làm để tự cải tiến. Nó có thể là:

  1. Viết lại những điểm quan trọng, những điểm lưu ý trong quá trình hoàn thành công việc để mình có thể làm nhanh hơn, chính xác hơn những lần sau. Những người khác cũng có thể tham khảo tài liệu này của mình để làm tốt hơn.
  2. Những điểm nào mất nhiều thời gian, có thể làm nhanh hơn thông qua các công cụ mới, thao tác mới, phím tắt mới…
  3. Những điểm nào dễ sai sót, cần phải làm cẩn thận hơn, hoặc sử dụng cách nào để kiểm tra chéo nhanh hơn…
  4. Những điểm nào có thể làm tốt hơn, để tăng giá trị cho công việc.
  5. Những điểm nào không cần thiết, có thể lược bỏ bớt mà không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

4. Tự quản lý công việc

Một khi đã làm việc, bạn phải biết được mình đang có trách nhiệm với những công việc gì. Việc nào đang triển khai, việc nào bị trễ, chỗ nào bị kẹt lại, cách thức để hoàn thành công việc. Đây hoàn toàn là những công việc của chính mình, nếu mình không tự quản lý được thì chắc chắn bạn không thể lên vị trí cao hơn để chịu trách nhiệm tốt hơn (đi kèm với sự tưởng thưởng lớn hơn).

Các bạn có thể sử dụng phương pháp Kanban để tự quản lý công việc của bản thân. Nếu tốt, bạn sử dụng phương pháp Agile để quản lý sâu hơn, và tự đánh giá được bản thân mình qua từng giai đoạn (sprint).

5. Tự quản lý mục tiêu

Từ doanh nghiệp đến cá nhân, chúng ta làm việc vì những mục tiêu cụ thể. Một trong những mục tiêu quan trọng là tăng thu nhập và tăng giá trị. Khi làm việc, mình phải biết được bản thân mình đang có mục tiêu gì để đạt được, nó phù hợp như thế nào với mục tiêu chung của tổ chức, và những công việc bạn làm mỗi ngày nó sẽ đưa bạn đến đâu trên con đường chinh phục các mục tiêu đó.

Nếu không quản lý được mục tiêu, bạn sẽ trở nên hoang mang, nảy sinh tâm lý tiêu cực và đổ lỗi (có thể cho bản thân hoặc tổ chức) vì mình không phát triển được.

Tổng kết

Tất cả những điều trên, tự bản thân mình phải làm lấy. Không có ai phải chịu trách nhiệm cho sự phát triển của mình ngoài chính mình. Những đối tượng bên ngoài như địa phương, gia đình, công ty, đồng nghiệp… chỉ đóng vai trò tạo ra môi trường để bạn phát triển. Môi trường có thể tốt, có thể không tốt, nhưng sự phát triển bản thân là sự lựa chọn của bản thân. Nếu trong môi trường tốt mà mình không muốn phát triển thì không ai giúp được. Ngược lại, nếu môi trường không tốt, nhưng mình có đủ quyết tâm và hành động thì cũng không ai cản được bạn.

Nếu 5 điều trên mình không làm được, tổ chức phải cử thêm người để kiểm soát mình. Việc đó sẽ làm tăng chi phí, giảm hiệu suất và giảm luôn giá trị của mình. Về lâu dài, tổ chức luôn muốn thay thế những cá nhân không biết tự kiểm soát công việc bằng người khác tốt hơn, hoặc các công cụ tự động hóa.

Một điều cuối cùng, nếu bạn không quản lý được bản thân mình, thì không thể đủ khả năng quản lý người khác, quản lý những công việc lớn hơn. Do đó, bạn sẽ không thể phát triển được trong sự nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *