0987.919.262

|

hi@vominhhuy.com

Đúng trước, đẹp sau

Có một cái “bệnh” dạo này Huy thường gặp trong các dự án phát triển Website và Digital Marketing là chủ-nghĩa-hoàn-hảo (perfectionism). Nói một cách dễ hiểu, là mình cứ phải làm mọi thứ thật hoàn hảo trước khi đưa thành phẩm vào sử dụng.

Ở đây Huy không có ý nói chúng ta chấp nhận chuyện làm qua loa. Chúng ta vẫn phải làm được kết quả tốt. Tuy nhiên, hoàn hảo một cách cực đoan là một vấn đề khác. Nó sẽ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, và đôi khi không thể tạo ra được kết quả gì (còn tệ hơn là làm qua loa).

Hậu quả

Có thể thấy 5 hậu quả của việc chờ đợi một sự hoàn hảo cực đoan đến các dự án

1. Tăng chi phí

Việc kéo dài thời gian phát hành sản phẩm ra thị trường sẽ làm tăng chi phí, bao gồm chi phí nhân sự và các phí duy trì hệ thống. Đôi khi, chi phí này lớn hơn nhiều so với lợi ích của việc hoàn thành các tính năng nhỏ sự hoàn hảo.

Việc đẩy chi phí lên cao sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên, gây cản trở khi xâm nhập thị trường.

2. Gây áp lực lên cộng sự

Việc một người tham gia rất lâu một dự án mà không phát hành được dễ gây ra tâm lý tiêu cực, chán nản, mất cảm hứng với dự án. Ở giai đoạn cuối của dự án, rất ít công việc mang tính nâng cấp, sáng tạo mà phải fix rất nhiều vấn đề lặt vặt. Ngoài ra, tư duy hoàn hảo cực đoan của sếp cũng khiến nhân viên khó chịu.

3. Thiếu khách quan

Việc cố gắng nỗ lực để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo là một mục tiêu rất chủ quan. Thế nào là hoàn hảo? Đó là các tiêu chí của quản lý, hoặc một tập thể nhỏ những người làm dự án. Các tiêu chí đó không phải là sự đánh giá của thị trường và khách hàng.

4. Bỏ lỡ thời điểm

Trong kinh doanh, tính thời điểm là cực kỳ quan trọng. Một sản phẩm hoàn hảo nhưng sai thời điểm vẫn có thể thất bại, và ngược lại một sản phẩm bình thường gặp đúng xu hướng vẫn có thể thành công.

Việc xây dựng một sản phẩm hoàn hảo sẽ khó tính chính xác thời gian, dẫn đến không gặp được thời điểm hoàn hảo.

Câu thần chú

Huy luôn có một câu thần chú khi bản thân mình, hoặc một dự án bắt đầu có xu hướng perfectionism là ĐÚNG TRƯỚC, ĐẸP SAU. Tức là, liệt kê ra những điểm cần phải làm đúng trước, hoàn thành nó và đưa vào hoạt động ngay. Còn những các đẹp đẽ, fancy, hoành tráng… hãy cứ tiếp tục làm song song với thời điểm vận hành sản phẩm.

Thực hiện câu thần chú này sẽ khắc phục những hậu quả của perfectionism:

1. Chi phí tối thiểu

Một sản phẩm vừa đủ để hoạt động (có thể gọi làm MVP – Minimum Viable Product) sẽ có chi phí vừa đủ thấp để tiếp cận thị trường, với một mức giá hợp lý. Ngay thời điểm này, chúng ta đã có thể có doanh thu để tái đầu tư cho sản phẩm.

2. Tạo động lực cho cộng sự

Bất cứ ai tham gia vào một dự án đều muốn sản phẩm ra mắt càng sớm càng tốt. Mọi người sẽ được nhìn thấy công sức của mình được vận hành, nhận được đánh giá của mọi người, và hiểu được những dấu mốc quan trọng tiếp theo cần phải làm.

3. Phản hồi khách quan

Câu “Khách hàng luôn đúng” đâu đó cũng đúng trong trường hợp này. Khách hàng nhanh chóng được trải nghiệm & kiểm thử sản phẩm, chỉ cho chúng ta đâu là những điểm đã làm tốt, đâu là những chức năng quan trọng cần cải tiến, đâu là sự khác biệt của sản phẩm so với các đối thủ trên thị trường. Đây là những đánh giá khách quan quan trọng để chúng ta có kế hoạch phát triển sản phẩm trong tương lai.

4. Tính thời điểm

Trong trường hợp thấy được thời điểm tốt, bạn có thể tung sản phẩm ra ngay với các chức năng vừa đủ. Thời điểm tốt sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều chi phí truyền thông và bán hàng, lợi thế tâm lý tốt, dễ có doanh thu để đầu tư phát triển sản phẩm để cạnh tranh với các đối thủ nào vẫn còn đang làm sản phẩm hoàn-hảo-cực-đoan.

Cách làm “Đúng trước”

Để biết được đâu là những điều đúng đắn để làm trước, cũng cần có một số nguyên tắc mà chúng ta có thể làm theo. Nếu không biết đâu là điều đúng trước, thì chúng ta sẽ thấy đâu cũng đúng và lại trở thành perfectionism.

1. Nguyên tắc 80/20

Trong hàng chục tính năng mà chúng ta muốn làm, đâu là những tính năng quan trọng mà nếu không có thì không thể chạy được? Đâu là những tính năng mà nếu có thì tốt không có thì cũng tạm chấp nhận được? Đâu là những tính năng có thể chiếm 20% tầm quan trọng nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian để hoàn thành?

Sau khi phân loại được các nhóm tính năng này, bạn sẽ thấy nó sẽ phản ánh được nguyên tắc 80/20: 80% tính năng có thể làm trong 20% thời gian.

2. Chia dự án theo từng milestone

Có nhiều phương pháp để làm việc này, thường thấy nhất là quy trình phát triển sản phẩm theo phương pháp Scrum/Agile. Tựu chung, nguyên tắc của nó là:

  • Trong khoảng 2 tuần/1 tháng, đâu là các tính năng quan trọng có thể hoàn thành.
  • Sau khi hoàn thành các tính năng đó, đưa vào sản phẩm và cho thị trường sử dụng.
  • Tùy theo sự phản hồi của thị trường và kế hoạch, lựa chọn các tính năng sẽ làm cho 2 tuần/1 tháng tiếp theo.

3. Nhận phản hồi liên tục

Xây dựng một cơ chế để nhận phản hồi của người dùng, môi trường vận hành, đối thủ liên tục và nhanh chóng. Đây là các phản hồi quan trọng khách quan, sẽ giúp đội ngũ làm sản phẩm điều chỉnh kế hoạch nâng cấp sản phẩm phù hợp với thực tế.

4. Chấp nhận sẽ có sai sót

Thay vì dồn nguồn lực để làm hoàn hảo mọi thứ, hãy cứ xác định tâm lý rằng sẽ có thể có sai sót nhỏ gì đấy trong quá trình sử dụng. Khi đó, bạn sẽ dành nguồn lực để theo dõi sát các đánh giá của khách hàng và khắc phục nhanh theo sự ưu tiên.

Tổng kết

Thực tế cho thấy, không có sản phẩm nào hoàn hảo ngay từ đầu. Các bạn có thể thấy trong những sản phẩm hàng đầu thế giới như Facebook, iPhone, Windows, Google đều được cải tiến liên tục theo thời gian. Nếu có dịp nhìn lại những sản phẩm này cách đây 15 năm, hẳn các bạn sẽ thấy chúng thật “củ chuối”. Chúng cũng tuân theo nguyên tắc “đúng trước, đẹp sau” như Huy đã nói. Các chức năng quan trọng nhất của Facebook, iPhone, Windows, Google gần như không có nhiều thay đổi, nhưng chúng ngày càng đẹp hơn, hoàn thiện hơn, và bổ sung thêm nhiều cái đúng hơn theo thời gian.

Các sản phẩm hàng đầu đều như vậy, thì chúng ta cũng nên làm như vậy.

Nếu bạn cảm thấy bài viết này có ích, hãy để lại lời động viên cho Huy qua mục comment bên dưới hoặc nhắn cho Huy qua Facebook fb.com/vmhuy88.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *