Huy thấy nhiều bạn đang nghĩ rằng xây dựng THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN là công việc của nhưng người muốn trở thành ngôi sao, influencer, KOC, hoặc muốn đánh bóng tên tuổi để làm chuyên gì đó.
Thật ra, thương hiệu cá nhân là của mỗi người lúc nào cũng có, cho dù bạn có muốn hay không.
Ví dụ, nếu bạn đã từng nghe những câu như “anh này dễ gần lắm”, “chị kia hơi khó chịu nhưng hỗ trợ nhiệt tình” hay “thằng đấy nó bla bla”… thì đó chính là thương hiệu cá nhân. Khi bạn nghĩ về một ai đó, ví dụ như nghĩ về Huy chẳng hạn, thì bạn mô tả Huy như thế nào thì đó cũng chính là thương hiệu cá nhân của Huy trong tâm trí của bạn.
Đấy, dù bạn có để tâm hay không thì bạn vẫn luôn có thương hiệu cá nhân trong mắt người khác.
Vậy tại sao chúng ta cần xây dựng thương hiệu cá nhân?
Xây dựng thương hiệu, với Huy, đơn giản là xây cái HIỆU cho người ta THƯƠNG. Một khi người ta đã thương, đã đánh giá đúng giá trị bản thân của mình, thì mình sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống.
Ví dụ, khi mọi người đã biết chuyên môn và cách làm việc của mình, thì họ sẽ dễ dàng bắt đầu một sự hợp tác với mình. Hoặc, nếu họ thấy ai đó có nhu cầu chuyên môn phù hợp, họ sẽ chủ động giới thiệu mình.
Một ví dụ khác, trong công ty, nếu bạn có thương hiệu cá nhân tốt và phù hợp với văn hóa, chuyên môn của công ty, thì bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn trong con đường thăng tiến. Thậm chí, khi bạn chuyển công ty, thì thương hiệu cá nhân của bạn cũng sẽ giúp bạn ấn tượng hơn trong mắt nhà tuyển dụng khi họ đang đánh giá giữa hàng chục ứng viên khác.
Và khi bạn có thương hiệu cá nhân tốt, bạn có thể bán sức lao động của mình cao hơn một chút. Đó là giá trị của niềm tin.
Làm thế nào để xây dựng thương hiệu cá nhân?
Xin được nói trước, bản thân Huy không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu cá nhân, cũng không được học hành bài bản. Những chia sẻ của Huy được rút ra từ những trải nghiệm của bản thân trong nhiều năm, từ nhiều bài học sai lầm và cách làm hiệu quả.
1. Tìm các tình từ định nghĩa con người mình, hoặc những tình từ phản ảnh được giá trị mà mình hướng tới
Bạn nên có 3-4 tính từ phù hợp. Nếu vẫn chưa chọn được, hãy cứ list ra nhiều hơn và qua thời gian mình sẽ lọc & chọn lại cho mình những từ phù hợp.
Ví dụ, một số tính từ mà Huy xây dựng: vui vẻ tích cực, sâu sắc, nhiệt tình. Dễ nhất là trong công việc, ít nhiều các bạn sẽ cảm nhận được các giá trị này từ Huy. Bất cứ khi nào có thời gian, Huy sẽ cố gắng viết bài chia sẻ lên 2 website của công ty là TADA và VIG.
2. Hành động xây dựng giá trị
Nếu chỉ liệt kê ra mà không có hành động phù hợp thì sẽ trở thành sáo rỗng đạo lý. Trong cuộc sống và trong công việc, bạn nên thường xuyên để ý xem mình có làm gì sai với giá trị mà mình đang hướng tới hay không. Nếu bạn thường xuyên làm sai, người khác sẽ nhìn thấy một ‘thương hiệu cá nhân’ của bạn hoàn toàn khác những gì bạn nghĩ trong đầu.
Khi bạn đã không còn làm sai, hãy tiếp tục làm đúng. Sau mọi thứ, cố gắng làm thêm một chút nữa để thể hiện mình đang xây dựng giá trị cho mọi người xung quanh. Dần dần, nó sẽ trở thành một thói quen và bạn cũng không còn cảm giác là mình cố gắng nữa.
Tuy nhiên, ở bước này, bạn phải luôn tự đánh giá lại là những giá trị mà mình đang hướng tới có phù hợp với con người thật của mình hay không. Nếu lúc nào bạn cũng phải gồng người, cố gắng tỏ ra giá trị, thì có khi bạn phải tìm những giá trị khác phù hợp hơn.
3. Quan sát các phản hồi
Như Huy đã nói ở trên, thương hiệu cá nhân là các đánh giá của người khác về bạn, chứ không phải là những điều bạn đang nghĩ. Do đó, bạn cũng phải để ý các phản hồi của những người xung quanh để xem rằng họ có đang nhìn mình đúng với thương hiệu mà mình đang xây dựng hay không.
Thực tế thì không phải lúc nào người khác cũng đánh giá đúng 100%, hoặc ai cũng phù hợp với giá trị của mình. Đừng quá thất vọng nếu vẫn còn những cái nhìn sai. Đó vẫn là một phản hồi giúp bạn điều chỉnh. Có thể chúng ta thể hiện hơi thái quá, hoặc chưa đủ khéo léo (cái này Huy gặp nhiều bài học khá đau thương hehe).
4. Đúng, đủ, đều
Làm đi làm lại các bước trên, làm đúng, làm đủ, làm đều, làm đến khi nào nó trở thành một thói quen tự nhiên mà mình không cần gồng nữa mà vẫn làm được là ok lah. Sẽ có 2 đối tượng thay đổi và bổ trợ cho nhau:
Một là bản thân bạn sẽ trở nên tốt hơn, gần hơn với những giá trị mà bạn đang theo đuổi, và nó sẽ xây dựng thương hiệu cho bạn rõ ràng, vững vàng hơn.
Hai là thương hiệu cá nhân của bạn sẽ làm bạn nổi bật hơn giữa muôn vàn người khác ở xung quanh. Có thể ngày một ngày hai bạn chưa nhận ra, nhưng vài năm nhìn lại chắc chắn bạn sẽ giật mình vì bản thân mình đấy.
Lời kết
Thương hiệu cá nhân không phải là dành cho một đối tượng nào đó đặc biệt, mà ai cũng có. Chúng ta nên để tâm và xây dựng thường xuyên. Đừng quá áp lực, hãy cứ làm nhẹ nhàng tự nhiên trong các hoạt động thường ngày, với một chút sự để tâm vào. Hãy giữ tinh thần Đúng trước, Đẹp sau, vừa làm vừa điều chỉnh.
Huy hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn có cảm hứng xây dựng thương hiệu cá nhân cho riêng mình. Biết đâu được, vài năm sau, nhờ bài viết này mà các bạn có một thương hiệu “xịn xò” để chúng ta cùng nhau giúp cuộc sống này trở nên tốt hơn.
Thân chào.